Biến động kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng đứt gãy đang giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp, khiến doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Với mục tiêu tạo nên diễn đàn phẳng, kết nối các nhà lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất, bán lẻ để cùng thảo luận, đưa ra những chiến lược, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ để đạt được vận hành xuất sắc, ngày 27/06 vừa qua, sự kiện C-Talk Supply Chain Việt Nam đã diễn ra thành công với sự góp mặt của các diễn giả, chuyên gia và hơn 70 khách mời là các lãnh đạo, quản lý cấp cao thuộc các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, TMĐT và logistics với chủ đề “Tối ưu nguồn lực – Tái thiết chuỗi cung ứng thời đại số”, tập trung khai thác các bài học thực tiễn của các doanh nghiệp khi triển khai công nghệ trong ngành bán lẻ, sản xuất, logistics và quản lý chuỗi cung ứng để đảm bảo tỷ lệ chính xác hàng tồn kho, tối ưu xử lý tuyến giao hàng và quản lý kho vận.
Đại diện Ship60, Anh Phùng Khắc Huy – Founder/CEO đã cùng tham dự phiên tọa đàm cùng các diễn giả là các lãnh đạo đến từ Tiki (anh Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cấp cao tại TikiNOW Logistics), Daikin Việt Nam (chị Vũ Thị Thu Thủy, Phó giám đốc khối tài chính kế toán), FPT (anh Nguyễn Tấn Hưng – Giám đốc Kinh doanh AI khu vực phía Nam FPT Smart Cloud; ông Dương Việt Tùng, COO tại akaBot) để đưa ra cái nhìn toàn cảnh về thị trường logisitcs tại Việt Nam cùng các cách thức kinh nghiệm trong việc ứng dụng để tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng.
Xu hướng áp dụng công nghệ, tự động hóa thông minh trong Logistics và Supply Chain
Thông qua tọa đàm giữa các lãnh đạo cấp cao từ doanh nghiệp Tiki, Daikin Việt Nam và đại diện đơn vị cung cấp giải pháp như FPT và Ship60, các bí quyết triển khai các nền tảng công nghệ hay ứng dụng tự động hóa và AI trong việc giao tiếp, giải quyết yêu cầu của khách hàng cũng được phân tích và đánh giá kĩ lưỡng. Kinh nghiệm triển khai các công nghệ trong logistics và chuỗi cung ứng được tất cả các diễn giả đúc kết lại với phương pháp luận “cải tiến từng bước mà liên tục”. Theo đó, yếu tố đảm bảo năng lực, kiến thức của nhân sự để vận hành được công nghệ, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với robot và AI cũng rất quan trọng.
Mở đầu phiên tọa đàm anh Phùng Khắc Huy đã chia sẻ “Nguyên nhân ngành logistics Việt Nam được đánh giá còn kém hiệu quả là bởi các hãng vận chuyển lớn đang sử dụng mô hình truyền thống ảnh hưởng đến thời gian vận hành. Đặc biệt, còn thiếu việc ứng dụng các nền tảng công nghệ – vốn là nền móng mà các hãng vận chuyển hàng đầu thế giới ứng dụng để tối ưu toàn bộ quy trình vận hành”.
Sử dụng công nghệ để tối ưu từng khâu trong vận hành cũng được các diễn giả đưa ra thảo luận sôi nổi như chia sẻ của anh Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc cấp cao TikiNOW Logistics “Trong vận hành chuỗi cung ứng nói chung và logistics nói riêng, có rất nhiều quy trình nhỏ, doanh nghiệp cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để tối ưu sao cho hiệu quả nhất. Chỉ cần tối ưu mỗi quy trình, hoạt động dù chỉ 500 đồng thôi đã có thể mang lại hiệu quả và lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp”
Chuyên gia từ FPT akaBot cũng cho rằng quyết định lựa chọn công nghệ cần phải song hành với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, CTO và CIO của các doanh nghiệp cần dựa trên chiến lược kinh doanh tổng để đưa ra chiến lược công nghệ, đồng thời chia thành các giai đoạn đầu tư. Đặc biệt khi chuỗi cung ứng vốn là chuỗi quy trình gồm rất nhiều hoạt động và nghiệp vụ nhỏ, được trải rộng từ khâu sản xuất, quản lý kho cho tới vận chuyển và bán hàng.
Với các công ty vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp thuần sản xuất, chiến lược nên tập trung vào các công nghệ như RPA để tự động hóa các tác vụ thủ công và lặp đi lặp lại như nhập liệu, theo dõi hóa đơn xuất nhập nguyên liệu hay công nghệ IoT hoặc RFID (Nhận dạng qua tần số vô tuyến) để tăng cường khả năng theo dõi và kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Chuỗi cung ứng với nhiều quy trình phân mảnh – Thách thức hay cơ hội
Ông Dương Việt Tùng cũng nhấn mạnh, ở bước đầu triển khai, các doanh nghiệp nên thử nghiệm với các giải pháp phần mềm trên Cloud với ưu điểm dễ dàng sử dụng, cài đặt và vận hành mà không ảnh hưởng đến hạ tầng kĩ thuật. FPT akaBot cũng đã từng triển khai giải pháp tự động hóa dạng phần mềm dịch vụ trên Cloud cho Daikin Việt Nam trong quy trình xử lý hóa đơn đầu vào – kết hợp công nghệ lõi RPA với AI & OCR để xử lý tự động hơn 40,000 hóa đơn đầu vào/ năm, giúp cắt giảm 75% thời gian xử lý và giảm 99.9% rủi ro về hóa đơn. Việc thắt chặt quản lý tài chính và hóa đơn là minh chứng cho quy trình nhỏ, đơn giản nhưng đem lại hiệu quả vận hành lớn và đã góp phần giúp Daikin Việt Nam đáp ứng chuỗi cung ứng với kết quả tăng trưởng 240% trong 9 năm (từ 2013-2022).
Sự kiện đã kết thúc thành công và mang đến nhiều kiến thức quý giá cho các nhà lãnh đạo ngành với các điểm mấu chốt:
• Nắm bắt cải tiến liên tục: Luôn là chủ đề được nhắc đến, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện từng bước, nhưng liên tục, trong các quy trình thông qua ứng dụng công nghệ.
• Đầu tư vào con người và công nghệ: Lực lượng lao động lành nghề, có khả năng thích nghi và quản lý những tiến bộ công nghệ, là điều cần thiết cho việc triển khai và tối ưu hóa thành công.
• Tối ưu hóa từng bước: Ngay cả những cải thiện hiệu quả nhỏ trong các quy trình riêng lẻ cũng có thể mang lại tác động đáng kể đến lợi nhuận chung.
Kinh nghiệm triển khai các công nghệ trong logistics và chuỗi cung ứng được tất cả các diễn giả đúc kết lại với phương pháp luận “cải tiến từng bước mà liên tục”. Theo đó, yếu tố đảm bảo năng lực, kiến thức của nhân sự để vận hành được công nghệ, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với robot và AI cũng rất quan trọng
Chia sẻ